top of page

KHÁM PHÁ XỨ THÁNH | Sức Mạnh Bạn Cần Ngay Lúc Này

  • Writer: .
    .
  • Apr 1, 2021
  • 5 min read

Updated: Apr 1, 2021

Sai lầm thường dẫn đến nhiều tổn thương. Tất cả chúng ta đều có những sai lầm mà chúng ta ước gì mình có thể quên. Phi-e-rơ đã chối bỏ Chúa. Với một số người, đây không phải là một sai lầm lớn lao. Bởi so với nhiều lỗi lầm khác, bị nỗi sợ hãi chi phối chỉ là một điều rất nhỏ. Nhưng với Phi-e-rơ, đây là một lầm lỗi quá lớn.

(Hình: Căn phòng cao, theo Pictorial Library of Bible Lands)


Sách Châm ngôn đã nói không ai biết được sự cay đắng của tấm lòng bằng chính bản thân người đó (Châm ngôn 14:10). Chính Phi-e-rơ cũng hoàn toàn bất ngờ trước việc ông chối bỏ Chúa. Bởi chỉ vài giờ trước đó, Phi-e-rơ đã hứa ông sẽ không bao giờ chối Chúa mình—KHÔNG BAO GIỜ. Cảm xúc dâng tràn đã khiến Phi-e-rơ thốt ra lời hứa— một lời thề —mà ông sẽ phải chịu trách nhiệm. Điều cay đắng hơn cả là Phi-e-rơ đã tin rằng ông sẽ giữ lời hứa đó. Sự yếu đuối thường bắt đầu với suy nghĩ cho rằng chúng ta mạnh mẽ.

Lời Hứa Trong Phút Kiêu Ngạo Thường Không Có Kết Quả Tốt Đẹp Trong đêm đó, lời tuyên bố của Phi-e-rơ không chỉ là một lời hứa để ông có thể tự hào khoe khoang. Để nhấn mạnh lời thề của mình, Phi-e-rơ đã so sánh bản thân ông với các môn đồ khác trong căn phòng cao. Chúng ta không biết các môn đồ còn lại đã phản ứng ra sao. Nhưng có lẽ, các môn đồ đó đã không nói ra những lời đồng tình này: “Đúng rồi, Phi-e-rơ. Anh là người mạnh mẽ nhất trong nhóm. Trong lúc cả nhóm sợ hãi và chạy trốn, chỉ có mình anh còn đứng cạnh Thầy. Phi-e-rơ, anh là nhất đó.” Lời khoe khoang của Phi-e-rơ xuất phát từ bất đồng giữa mười hai môn đồ suốt buổi tối hôm đó với lời thắc mắc: Ai là người lớn hơn trong bọn mình? Với lời tuyên bố này, Phi-e-rơ đã công khai khẳng định vị trí của mình: “Chính là tôi! Tôi là người lớn hơn hết. Tôi vẫn sẽ đứng vững vàng khi mọi người bỏ cuộc!”

Trớ trêu thay, tất cả các môn đồ “đều nói như vậy”. Tất cả họ đều bị che mắt.

Lòng Quyết Tâm Vẫn Chưa Đủ Chỉ vài giờ sau lời tuyên bố hùng hồn của mình, Phi-e-rơ đã bỏ cuộc. Thật ra, tất cả các môn đồ đều đã bỏ cuộc đêm hôm đó. Lời của Chúa Giê- xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê đã đưa ra giải pháp cho nan đề của các môn đồ... giá như họ chịu lắng nghe: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm mà xác thịt thì yếu đuối” — Mác 14: 38 Điều mà các môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-xu cần trong tuần lễ thánh cũng là điều mà chúng ta cần ngày nay, chính là: cầu nguyện.

(Hình: Cây Ô-li-ve trong vườn Ghết-sê-ma-nê, theo Pictorial Library of Bible Lands)

Thế nhưng, các môn đồ đã không nhận ra nhu cầu cần phải cầu nguyện. Bởi xét cho cùng, chẳng phải tất cả họ đều vừa khẳng định kết ước của mình đó sao? Chẳng phải tất cả họ đều vừa thốt ra những lời hứa nguyện thật lòng nhất đó sao? Tôi tin các môn đồ đã nói thật lòng mình. Có điều họ đã không nhận ra rằng chỉ quyết tâm thôi vẫn chưa đủ. Bởi lòng quyết tâm sẽ bị nao núng khi đối diện với cám dỗ.


Không Dựa Vào Sức Riêng Của Bản Thân Tinh thần của Phi-e-rơ rất muốn theo Chúa nhưng ông đã quên mất sự yếu đuối của xác thịt dù Chúa Giê-xu đã đưa ra lời cảnh báo. Tinh thần của chúng ta thường dựa vào cảm xúc của bản thân. Chúng ta cảm nhận sự quyết tâm đầy nhiệt huyết trong lòng nhưng... cảm xúc thường hay thay đổi. Dĩ nhiên, một tinh thần sẵn sàng là điều tốt (tốt hơn một tinh thần không sẵn sàng) nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế. Bên cạnh tinh thần sẵn sàng, chúng ta cần có một thái độ khiêm nhường và nhờ cậy Chúa. Dựa Vào Sức Của Chúa Cuối cùng, Phi-e-rơ đã tìm ra “công thức” để có thể đứng vững vàng trong đức tin: Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời... Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó.” (I Phi-e-rơ 5: 6, 8-9) Chẳng phải những lời này cũng tương tự với lời dạy của Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê: “Hãy thức canh và cầu nguyện” đó sao? Cầu nguyện giúp chúng ta trở nên khiêm nhường. Cầu nguyện giúp chúng ta có thể suy nghĩ tỏ tường và buộc chúng ta phải nhìn nhận Đức Chúa Trời là Đấng quyền phép. Để bước đi khiêm nhường trước mặt Chúa, chúng ta cần dâng đời sống mình cho Ngài qua việc thừa nhận những yếu đuối—chứ không phải khoe khoang về thế mạnh của bản thân. Hãy lưu ý, Phi-e-rơ không chỉ đơn giản nói “Hãy hạ mình xuống”, mà chúng ta phải chủ động hạ mình xuống “dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời”. Sức mạnh của Chúa khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ. Và thái độ khiêm nhường mở cánh cửa để sức mạnh của Chúa tràn ngập đời sống của chúng ta. Cầu nguyện là lời thú nhận chúng ta cần sức mạnh của Chúa. Cầu nguyện cũng là lời mời gọi để sức mạnh của Chúa ngập tràn trong đời sống của chúng ta. Phút cầu nguyện Bạn muốn trung tín bước đi với Chúa Giê-xu. Đó là ao ước của bạn—cũng là ao ước của tôi. Nhưng chúng ta cũng có những yếu đuối mạnh hơn cả lòng quyết tâm của bản thân. Nếu không nhìn nhận yếu đuối đó, chúng ta sẽ đi vào chỗ hối tiếc. Chúa nhật Phục sinh đang đến gần. Chúng ta hãy cùng lắng nghe lời của Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê trong tuần lễ thánh đầu tiên. Hãy cầu xin Chúa giúp đỡ và hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Ngài. Và, chúng ta hãy cùng thức canh và cầu nguyện.

Người dịch: Vi.p

Phụ Nữ và Niềm Tin được phép chuyển dịch bài viết này của tác giả Wayne Stiles. Xem thêm tại waynestiles.com

Comentarios


Đăng ký nhận bài mới

Cám ơn bạn đã đăng ký nhận bài! 

  • Facebook
  • YouTube

© 2022 by Phụ Nữ & Niềm Tin

bottom of page